CÁC LOẠI MỠ TRONG CƠ THỂ BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA?
Mọi người thường nghĩ mỡ bụng hay chất béo trong cơ thể là nguyên nhân khiến bạn không có một thân hình đẹp và có hại mà chúng ta phải cố gắng tập luyện để loại bỏ. Nhưng đối với các nhà khoa học, chất béo có nhiều chức năng hơn chúng ta nghĩ, trong đó bao gồm mối liên hệ với sức khỏe não bộ.
1. Mỡ nâu
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mỡ nâu không phải là chất béo vô giá trị và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, chất béo nâu được cho là giống cơ bắp hơn chất béo trắng. Khi được kích hoạt, chất béo nâu sẽ đốt cháy chất béo trắng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm người gầy có xu hướng sản sinh nhiều chất béo nâu hơn những người thừa cân hoặc béo phì khi được kích thích đốt cháy calo. Phát hiện này mở ra hy vọng về một phương pháp điều trị béo phì tiềm năng. Nhưng làm thế nào để tăng mỡ nâu của một người hoặc kích thích chất béo nâu hiện có vẫn đang được nghiên cứu.
Trẻ em có nhiều chất béo nâu hơn người lớn để giúp giữ ấm. Các kho dự trữ chất béo nâu ở người lớn giảm dần, nhưng hoạt động nhiều hơn trong những tháng lạnh. Từ đó, ý tưởng ngủ trong những căn phòng lạnh hơn để đốt cháy thêm một vài calo đã xuất hiện. Người trưởng thành gầy không chỉ có nhiều chất béo nâu hơn những người nặng cân, mà thậm chí các tế bào mỡ nâu của họ còn chiếm ưu thế hơn rất nhiều so với các tế bào mỡ trắng. Một người nặng 68 kg có thể có 9 - 13 kg chất béo, trong đó bao gồm 1 - 1,3 kg chất béo nâu. Nhưng nếu được kích thích tối đa, chỉ 0,9 kg chất béo nâu cũng có thể đốt cháy thêm 300 - 500 calo mỗi ngày - đủ để giảm tới 0,45 kg trong một tuần.
Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu một loại thuốc làm tăng mỡ nâu. Nhưng cần lưu ý rằng thuốc kích thích mỡ nâu không phải là phương pháp chữa trị tất cả các vấn đề về cân nặng. Tuy nhiên, chúng có thể giúp bạn giảm cân hiệu quả hơn nếu kết hợp với một chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.
2. Mỡ trắng
Chất béo màu trắng dồi dào hơn nhiều so với màu nâu. Công việc của mỡ trắng là lưu trữ năng lượng và sản xuất các hormone, sau đó tiết vào máu. Các tế bào mỡ nhỏ sản xuất hormone adiponectin, khiến gan và cơ nhạy cảm với hormone insulin, nhờ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim. Ở những người thừa cân béo phì, việc sản xuất adiponectin bị chậm lại hoặc ngừng hoạt động, khiến họ dễ mắc bệnh hơn.
3. Mỡ dưới da
Đây là chất béo được tìm thấy trực tiếp dưới da, đo bằng kích thước nếp gấp da để ước tính tổng lượng mỡ của cơ thể bạn. Về mặt sức khỏe tổng thể, mỡ dưới da ở đùi và mông có thể không quá tệ, thậm chí là có một số lợi ích tiềm năng. Mỡ đùi và mông không gây ra nhiều vấn đề như các loại chất béo khác, đặc biệt là chất béo nội tạng. Tuy nhiên, các tế bào mỡ dưới da ở bụng lại là một câu chuyện khác. Có nhiều bằng chứng cho thấy sự nguy hiểm của một chiếc “bụng to” không chỉ nằm ở lớp mỡ nội tạng, mà còn là lớp mỡ bụng dưới da.
4. Mỡ nội tạng
Mỡ nội tạng là những chất béo bao bọc xung quanh các cơ quan bên trong và gây rắc rối cho sức khỏe, như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ và thậm chí là chứng sa sút trí tuệ. Nếu có vòng eo hoặc bụng lớn, tất nhiên bạn đã có mỡ nội tạng. Chất béo nội tạng góp phần lớn hơn trong việc đề kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhiều hơn so với các chất béo khác. Mặc dù không giải thích được rõ tại sao, nhưng chắc chắn mỡ nội tạng là một nguy cơ đối với sức khỏe.
Một chuyên gia đã nghiên cứu mối liên hệ giữa mỡ nội tạng và chứng sa sút trí tuệ bằng cách đánh giá hồ sơ của hơn 6.500 người, trung bình là 36 năm, từ khi họ 40 tuổi cho đến khi 70 tuổi. Hồ sơ bao gồm các chi tiết về chiều cao, cân nặng và số đo vòng bụng - phản ánh lượng mỡ nội tạng. Những người có vòng bụng lớn nhất có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn những người có vòng bụng nhỏ hơn. Mối liên hệ này đúng ngay cả với những người thừa mỡ bụng nhưng về tổng thể cân nặng bình thường.
Dù không biết tại sao mỡ bụng và chứng sa sút trí tuệ lại có mối liên hệ với nhau, nhưng chuyên gia suy đoán rằng các chất như leptin - một loại hormone do mỡ bụng tiết ra, có thể có một số tác động xấu đến não. Leptin không chỉ đóng một vai trò trong việc điều chỉnh sự thèm ăn, mà còn liên quan đến học tập và trí nhớ.
5. Mỡ bụng
Mỡ bụng được coi là một chất béo không lành mạnh bởi bao gồm cả chất béo nội tạng và dưới da. Chụp CT có thể giúp xác định mỡ bụng là ở dưới da hay bao quanh nội tạng, song cách này không hiệu quả về mặt chi phí. Nếu bạn có một chiếc bụng quá khổ, việc xác định tỷ lệ mỡ nội tạng hay dưới da không quan trọng bằng nhận biết bụng to là không tốt cho sức khỏe. Vòng eo của phụ nữ > 88 cm và nam giới > 101 cm dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Theo các chuyên gia, béo bụng được coi là nguy cơ sức khỏe lớn hơn so với mỡ đùi hoặc hông. Mỡ bụng có tác động xấu đến tình trạng kháng insulin, làm dễ mắc tiểu đường, cũng như tác động xấu hơn đến lipid máu, tăng nguy cơ bị bệnh về tim và đột quỵ.
XEM THÊM: Chế độ ăn giảm mỡ bụng hiệu quả
6. Mỡ đùi, mỡ mông
Trong khi nam giới có xu hướng tích tụ mỡ ở bụng, thì phụ nữ thường có “thân hình lê”, nghĩa là tích tụ mỡ ở đùi và mông. Bằng chứng mới cho thấy phụ nữ có thân hình quả lê ít mắc bệnh chuyển hóa nên với những người Bụng to.
Xung quanh vấn đề tích trữ mỡ dưới da, chuyên gia cho rằng mỡ đùi và mỡ mông có thể tốt hơn mỡ bụng. Nhưng lợi ích của những phụ nữ có thân hình quả lê sẽ dừng lại ở thời kỳ mãn kinh, khi mà chất béo bắt đầu có xu hướng tích tụ nhiều hơn ở vùng bụng.
7. Giảm cân và giảm mỡ
Khi nỗ lực giảm cân, bạn sẽ loại bỏ đồng thời tất cả những loại mỡ, nhiều nhất là giảm mỡ trắng. Tuy nhiên, nếu tập thể dục tương tự với chế độ ăn kiêng, bạn sẽ có xu hướng giảm mỡ nội tạng từ bụng nhiều hơn một chút.
Tóm lại, có nhiều loại mỡ khác nhau - bao gồm mỡ nâu, mỡ trắng, mỡ dưới da, mỡ nội tạng và mỡ bụng,... với hai mục tiêu chính. Một là dự trữ lượng calo dư thừa một cách an toàn để bạn có thể huy động các nguồn năng lượng khi đói. Hai là giải phóng hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Các nhà khoa học mong đợi sẽ khám phá nhiều hơn nữa về tất cả các loại chất béo trong tương lai gần.
Bài viết liên quan
5 SẢN PHẨM TREATMENT PHỤC HỒI DA HIỆU QUẢ
15.02.2023
10 CÁCH TẠO ĐỘNG LỰC GIẢM CÂN
10.02.2023
NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ MỤN ĐẦU ĐEN
31.01.2023
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH TẠM BIỆT QUẦNG THÂM MẮT
30.01.2023