MẸO TRỊ NGỨA VÙNG KÍN CHO BÀ BẦU HIỆU QUẢ

1. Một số nguyên nhân phổ biến gây ngứa vùng kín khi đang mang thai


Gần như tất cả mẹ bầu nào cũng có thể bị ngứa vùng kín. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này có thể kể đến như sau:
- Nội tiết tố thay đổi trong thời gian mang thai khiến môi trường âm đạo bị mất cân bằng nên dễ bị ngứa hơn bình thường.
- Viêm nang lông có thể do tăng tiết mồ hôi vùng kín hoặc vệ sinh vùng kín chưa tốt dẫn đến ngứa rát tại vùng này. Bên cạnh đó, bà bầu còn có thể gặp phải một số biểu hiện bất thường khác như nổi mụn đỏ, mụn mủ ở vùng kín, đau rát khi những nốt mụn vỡ và tiết dịch,…
- Viêm âm đạo: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài tình trạng ngứa ngáy vùng kín, còn xuất hiện thêm một số triệu chứng bất thường khác như âm đạo tăng tiết nhiều khí hư và kèm theo mùi khó chịu.
- Viêm đường tiết niệu, trong đó nguyên nhân chính là do khuẩn E.Coli. Ngoài biểu hiện đau rát, ngứa ngáy, mẹ bầu còn có thể bị tiểu buốt, đau khi tiểu,…
- Bệnh rận mu do Pthirus pubis gây ra. Loại ký sinh trùng này sống ký sinh trên sợi lông hoặc đào hầm dưới da để hút máu của người bệnh. Chất thải của chúng chính là nguyên nhân dẫn đến kích ứng da, phồng rộp da và gây ngứa. Căn bệnh này cũng có thể lây truyền qua đường tình dục.
- Mẹ bầu mắc một số bệnh lây qua đường tình dục có thể kể đến như lậu, giang mai, Chlamydia cũng có thể bị ngứa rát vùng kín.
- Chưa biết cách vệ sinh vùng kín, nhất là thói quen thụt rửa âm đạo chính là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng viêm nhiễm và ngứa rát tại bộ phận này.
- Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc các loại sữa tắm có chứa chất tẩy rửa mạnh cũng khiến “cô bé” dễ bị kích ứng và ngứa rát.
- Thói quen mặc quần lót quá chật hoặc loại quần được làm từ chất liệu nóng, bí cũng khiến mẹ bầu dễ bị ngứa vùng kín.


2. Ngứa vùng kín ảnh hưởng như thế nào đối với mẹ bầu và thai nhi?


Trên thực tế, vì ngại thăm khám, rất nhiều mẹ bầu chủ quan, thờ ơ với tình trạng ngứa rát vùng kín. Chỉ đến khi triệu chứng ngứa rát trở nên nghiêm trọng hoặc kèm theo những dấu hiệu bất thường khác, mẹ bầu mới chịu đi thăm khám. Lúc này, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể như sau:
- Đối với mẹ bầu:
Trước hết, những cơn ngứa rát ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của mẹ bầu, gây ra rất nhiều phiền toái. Nhất là khi những cơn ngứa vùng kín xuất hiện vào giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ vì đây là thời điểm bụng bầu to nhất và kèm theo nhiều bất tiện khác.
Khi mẹ bầu gãi ngứa có thể làm xây xước vùng da nhạy cảm và tạo điều kiện thuận lợi cho khuẩn bệnh xâm nhập, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Đối với những trường hợp ngứa do các bệnh lý, đặc biệt là bệnh phụ khoa mà không được điều trị sớm có thể gây ra những hậu quả sức khỏe rất nghiêm trọng.
- Đối với thai nhi: Với các trường hợp bị ngứa vùng kín lâu ngày mà không được khắc phục có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi:
+ Khi những cơn ngứa dai dẳng khiến mẹ bầu trở nên cáu gắt, bực dọc và chán ăn có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dinh dưỡng cho thai, trẻ sinh ra dễ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
+ Các trường hợp trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu bị ngứa vùng kín do mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, đặc biệt vào những tháng cuối của thai kỳ, có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ mẹ và có nguy cơ mắc phải các bệnh lý về da, về mắt và về đường hô hấp,…
+ Một số chị em tự ý sử dụng thuốc điều trị ngứa vùng kín khi mang thai có thể gặp phải một số tác dụng phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển về não bộ, tim và hệ thống xương của em bé trong bụng.
Chính vì thế, mẹ bầu không nên chủ quan khi bị ngứa vùng kín. Ngay khi có những biểu hiện bất thường cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời.
3. Cách trị ngứa vùng kín cho bà bầu đơn giản mà hiệu quả
Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh để áp dụng những cách trị ngứa vùng kín cho bà bầu phù hợp nhất. Cụ thể:
- Với những trường hợp ngứa do chưa biết cách vệ sinh vùng kín, mẹ bầu chỉ cần điều chỉnh cách vệ sinh vùng kín khoa học, thì tình trạng bệnh sẽ sớm được cải thiện.
+ Trong một ngày, nên làm sạch vùng kín ít nhất 2 lần và lưu ý nguồn nước dùng để vệ sinh phải đảm bảo là nước sạch. Có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ nhưng cần lựa chọn sản phẩm phù hợp, không gây kích ứng và nên ưu tiên những sản phẩm không có mùi hương.
+ Khi vệ sinh “cô bé” nên tránh thói quen thụt rửa.
+ Vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ, sau khi đi vệ sinh.
- Với các trường hợp ngứa do bệnh phụ khoa, chị em cần đi khám để các bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Lưu ý không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh những hậu quả nghiêm trọng như sảy thai, sinh non,…